DANH MỤC SẢN PHẨM
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tel: 84.031.3757115
Fax: 84.031.3757116
Nguyễn Đình Trung, Phó giám đốc Công ty Tuấn Huyền: Người mở đường
Chỉ làm Phó giám đốc, tức là ở Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ công nghiệp Tuấn Huyền (Hải Phòng), Nguyễn Đình Trung vẫn “dưới trướng” ít nhất một người. Nhưng ở Tuấn Huyền, Trung bảo, anh và hai cộng sự khác cùng đóng vai trò là người xây dựng chiến lược phát triển chung. Khác biệt duy nhất ở điểm: anh là người thực thi, người mở đường.

 

1. Đôi khi tôi cứ phân vân tự hỏi, có quá không, khi nói Nguyễn Đình Trung là người mở đường. Bởi nói vậy, dễ dẫn tới những liên tưởng về một vị CEO tài ba, lỗi lạc. Tôi không dám kỳ vọng anh giống Steve Ballmer của Microsoft, Steve Jobs của Apple, hay chí ít là Trương Gia Bình của FPT, Võ Quốc Thắng của Gạch Đồng Tâm…, mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, Trung là người mở lối, ít nhất cho công ty nhỏ bé của anh.

 

                                                          CEO Nguyễn Đình Trung trong chương trình Chìa khóa thành công CEO 2012

Và cái sự mở đường của anh, cũng rất giản dị: ấy là anh đóng vai trò tìm khách hàng mới, thị trường mới cho Tuấn Huyền, một công ty cỡ nhỏ ở Hải Phòng, chuyên cung cấp trang bị bảo hộ lao động, bao bì đóng gói, sản xuất và cung ứng màng quấn hàng hóa… Nhưng có lẽ, chỉ như vậy thôi, cũng đã là điều đáng quý, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa như hiện nay.

Tự nhận mình có khả năng giao tiếp tốt, dễ tạo được cảm tình và lòng tin của người đối diện, nên dễ hiểu vì sao, Nguyễn Đình Trung có lợi thế trong việc thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của công ty mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, Trung vào đời với vai trò “saleman” cho một số công ty liên doanh.

Cơ duyên chỉ thực sự đến sau hơn 12 năm làm thuê. Đó là vào đầu tháng 5/2006, anh quyết định nghỉ việc ở Công ty Thủy tinh San Miguel Yamamura Hải Phòng, vì muốn làm gì đó cho mình, chứ không chỉ là đi làm thuê. Chỉ nửa tháng sau đó, anh cùng hai người bạn khác quyết định dốc tất cả vốn liếng sau nhiều năm dành dụm để thành lập Công ty Tuấn Huyền. Ban đầu, chỉ là làm thương mại và sản phẩm được lựa chọn là trang thiết bị bảo hộ lao động.

“Tôi làm việc cho công ty nước ngoài nhiều, nên hiểu rằng, họ rất coi trọng vấn đề an toàn lao động. Nhu cầu có, thị trường có, mình cũng có khả năng, tại sao lại không làm?”, Công ty Tuấn Huyền đã bắt đầu khởi nghiệp bằng chính câu hỏi ấy và với số vốn không lớn, chỉ vài trăm triệu đồng.

Một tháng sau khi đặt câu hỏi ấy và sau khi Công ty chính thức ra đời, Tuấn Huyền có khách hàng đầu tiên. Một công ty của Nhật Bản. Và đơn hàng trị giá 56 triệu đồng. “Đầu tiên là cảm thấy bàng hoàng, sau đó là sung sướng, bởi không ngờ chúng tôi đã có sự khởi đầu tốt như vậy. Nhưng sau này ngẫm lại, thì thấy mình đã được trả công xứng đáng cho những gì mình đã bỏ ra”, Trung chia sẻ và bảo rằng, nghề bán hàng tưởng dễ mà khó vô cùng. Bán hàng chính là bán chữ tín, bán nhân cách của mình. Chỉ khi khách hàng thực sự tin tưởng mình, họ mới bắt đầu xem xét đến sản phẩm hàng hóa mà mình bán ra.

Bán cho khách hàng Việt đã khó, bán cho khách “Tây” càng khó hơn. Vậy mà, từ đơn hàng đầu tiên cho tới nay, mấy chục khách hàng của Tuấn Huyền đều là các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đang đứng chân ở Hải Phòng.

2. Tất nhiên, từ đơn hàng đầu tiên đến bây giờ, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, là cả một hành trình tuy không hẳn đã dài, nhưng đầy trải nghiệm đối với riêng Trung, cũng như hai cộng sự của anh. 6 năm là 6 nấc thang của Công ty Tuấn Huyền. “Chúng tôi đi từng bước, từng bước một và may mắn là doanh thu năm sau luôn tăng trưởng 20 - 30% so với năm trước”, một cách ý nhị, Trung khoe với chúng tôi về thành quả làm việc của Tuấn Huyền.

“Cả ba chúng tôi cùng đồng tâm hiệp lực vạch đường đi nước bước cho Công ty, nhưng tôi là người thực thi. Đôi lúc, tôi cũng không hiểu mình lấy đâu ra sức lực để làm việc không mệt mỏi như vậy. Có cảm tưởng đôi khi, tôi làm việc ngay cả trong lúc ngủ. Có lẽ, niềm đam mê công việc kinh doanh đã giúp tôi và các cộng sự của mình vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua”, Trung tâm sự.

Một bước ngoặt lớn đến với anh vào đầu năm 2008. Khi ấy, anh ký hợp đồng cung cấp hàng hóa cho một đối tác. Nhưng sản phẩm ấy ở Việt Nam đã bị ngừng cung cấp. Lên mạng tìm kiếm, biết một doanh nghiệp ở nước ngoài chuyên cung cấp sản phẩm này, nhưng vì chưa biết Tuấn Huyền là ai, nên giao kèo của đơn hàng là phải chuyển khoản trước 100% giá trị đơn hàng. Khoản tiền có thể không quá lớn, chỉ hơn 100 triệu đồng, nhưng mất nó, có nghĩa Tuấn Huyền sẽ gặp khó. Hơn thế, là cam kết với đối tác bị phá vỡ, uy tín sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều người khuyên can, bởi đặt hàng như vậy là liều lĩnh. Có thể cũng là liều, nhưng với Trung và hai cộng sự của mình lúc ấy, điều quan trọng nhất là làm sao cung cấp hàng đúng hạn cho đối tác. “Mình đã cam kết có hàng cho họ, thì không thể thất hứa, không thể để mất danh dự”. Nghĩ vậy, thế là đánh liều một phen. May là, mọi việc suôn sẻ. Nhưng cũng từ ấy, anh vượt qua được nỗi sợ hãi chính mình và bắt tay làm ăn lớn hơn.

Và quan trọng hơn, cũng chính vì luôn giữ chữ tín, nên khách hàng tin tưởng Tuấn Huyền ngày một nhiều hơn. Đơn hàng lớn hơn rất nhiều so với những ngày đầu tiên.

Không dừng ở các sản phẩm bảo hộ lao động, Tuấn Huyền bắt đầu lấn sân sang các sản phẩm bao bì, màng mỏng. Cũng cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Giờ thì, doanh thu từ sản phẩm này chiếm 1/3 tổng doanh thu của toàn Công ty.

“Khi công việc kinh doanh đã vào guồng, chúng tôi có điều kiện để đi chậm lại hơn. Tôi không còn phải quá vất vả đi bán hàng. Nhưng việc tìm khách hàng mới, thì tôi vẫn đảm trách. Đôi khi, cũng sẵn sàng cùng đi giao hàng, để có dịp trò chuyện, giao lưu và gắn kết hơn với khách hàng của mình”, Trung kể thế. Có cảm tưởng, anh đã bắt đầu tạm yên tâm với hoạt động kinh doanh của Tuấn Huyền.

3. Nhưng đúng là chỉ tạm yên tâm thôi. Bởi đầu năm nay, Trung và các cộng sự của mình lại quyết định dấn thêm một bước: mở xưởng sản xuất bao bì, màng mỏng PE. “Đã đến lúc, không thể chỉ mua đi bán lại nữa. Chúng tôi muốn làm gì đó bền vững hơn”.

Cũng nhiều người gàn, bảo sao liều thế, mở xưởng sản xuất khi kinh tế suy giảm. Nhưng rồi nghĩ, đầu ra có, năng lực cũng có, mà tự sản xuất, thì có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề, cả chuyện khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Thế là quyết !!!

Nhưng vì mới đi vào hoạt động, nên công suất mới chỉ phát huy được 30%. Còn 70% nữa, phải làm sao bây giờ? Nếu chỉ là mua đi bán lại, thị trường suy giảm, mình không bán bán - mua mua nữa là xong. Nhưng đã sản xuất, thì lại khác. Còn máy móc, thiết bị. Còn công nhân. Cả một bộ máy, dù với Tuấn Huyền, quy mô vẫn còn nhỏ, không đùa được, không thể tự dưng mà dừng lại được. Vậy là, sức ép lại đè nặng lên vai Trung và các cộng sự.

“Tình hình sản xuất từ đầu năm tới nay chưa được như kỳ vọng, nhưng chúng tôi cố gắng phấn đấu để khoảng giữa năm sau, khai thác tối đa hết công suất thiết bị. Mình chấp nhận đi chậm và chắc từng bước một”, Trung bảo thế, bởi anh lo, đằng sau mình giờ đây là cuộc sống của các cán bộ, công nhân và gia đình của họ, cho dù tới lúc này, Tuấn Huyền chưa bao giờ chậm trả lương công nhân.

41 tuổi. Không quá trẻ, nhưng cũng chưa già. Vẫn còn nhiều thời gian để tiếp tục phấn đấu và gây dựng Tuấn Huyền. Vì thế, trong ước mơ của mình, Nguyễn Đình Trung mong trở thành tổng giám đốc một công ty lớn, với một chuỗi văn phòng và các cơ sở sản xuất, cũng như các khu vui chơi, giải trí.

“Nhưng đó là ước mơ, còn việc thực hiện, thì phương châm của tôi vẫn là chậm mà chắc. Tôi muốn đi từng bước một, xây dựng từng căn, từng căn nhà một. Nguồn lực của mình có hạn, không thể đầu tư dàn trải được”, Trung kể thế.

Đúng là Tuấn Huyền quy mô còn nhỏ. Nếu nói có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, nghe chừng khá xa vời. Nhưng cứ nghĩ đơn giản thế này, nhiều đốm lửa nhỏ sẽ làm nên một ngọn lửa lớn. Và Tuấn Huyền, Trung cùng các đồng sự đang thực sự là những đốm lửa, nhen nhóm một hệ thống doanh nhân dân tộc ngày một mạnh mẽ hơn.

Tôi cũng đã nghĩ, tuổi trẻ bao giờ cũng gắn liền với những ước mơ, hoài bão. Sống đẹp, sống có ích, trước hết phải sống có lý tưởng, ước mơ. Càng đáng quý hơn, khi ước mơ đó không phải chỉ cho riêng mình…

 

Theo chiakhoathanhcong.mquiz.net

Bài viết cùng chủ đề