DANH MỤC SẢN PHẨM
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tel: 84.031.3757115
Fax: 84.031.3757116
Giải pháp để ngành công nghiệp dịch vụ "vượt bão"
Tại Hội trường Văn phòng Quốc hội phía Nam - TP Hồ Chí Minh ngày 19-1 vừa diễn ra buổi tọa đàm “Những giải pháp để đẩy mạnh ngành công nghiệp dịch vụ”. Tọa đàm do báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với CTCP Truyền thông Thuận Phát Lộc tổ chức.

 

Giải pháp để ngành công nghiệp dịch vụ "vượt bão"
 
Tại Hội trường Văn phòng Quốc hội phía Nam - TP Hồ Chí Minh ngày 19-1 vừa  diễn ra buổi tọa đàm “Những giải pháp để đẩy mạnh ngành công nghiệp dịch vụ”. Tọa đàm do báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với CTCP Truyền thông Thuận Phát Lộc tổ chức.  Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện, hoạt động nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp dự kiến tổ chức trong năm 2013.

 

 
Từ trái qua: Ông Trương Đình Tuyển, Văn phòng Chính phủ - Thành viên HĐTV chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội, Thành viên HĐTV Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Ông Lê Xuân Nghĩa – Văn phòng Chính phủ, Thành viên HĐTV chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; Ông Võ Tân Thành, Phó Tổng thư ký  VCCI, Giám đốc Phòng VCCI chi nhánh Tp Hồ Chí Minh tại buổi tọa đàm
 
Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia; Ông Trương Đình Tuyển, Văn phòng Chính phủ - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia; Ông Lê Xuân Nghĩa – Văn phòng Chính phủ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; Ông Nguyễn Văn Chánh, Vụ phó Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ông Võ Tân Thành, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Tp Hồ Chí Minh; Ông Phạm Duy Doanh, Trưởng Cơ quan đại diện báo Diễn đàn Doanh nghiệp – cơ quan ngôn luận của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN – tại khu vực phía Nam; Bà Phạm Lê Hoàng Uyên, TGĐ CTCP Truyền Thông Thuận Phát Lộc; Đại diện Bộ Công Thương khu vực phía Nam; Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khu vực phía Nam; Đại diện Bộ Tài chính khu vực phía Nam; Đại diện Hiệp hội Ngân hàng VN khu vực phía Nam; Đại diện Lãnh đạo Sở Công thương Tp HCM;  Đại diện Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp Hồ Chí Minh . Chương trình còn có sự hiện diện của hơn 100 doanh nghiệp, doanh nhân, đại diện các câu lạc bộ, Hiệp hội, Hội doanh nghiệp trên địa bàn TP và các tỉnh khu vực phía Nam, cùng đông đảo các cơ quan báo chí, truyền thông của địa phương và Trung ương cùng tham dự.
 
 
Ông Võ Tân Thành, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc VCCI chi nhánh Tp Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
 
Dịch vụ là một trong những nhóm ngành quan trọng, mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam. Trong quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 12 - 4 - 2012, với mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, việc nâng cao chất lượng của các ngành dịch vụ song song cũng được xác định vai trò quan trọng. Đây là trọng tâm ưu tiên và cũng là đích đến của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung và hiệu quả của vốn đầu tư nói riêng.
 
  
 
Ông Trương Đình Tuyển, Văn phòng Chính phủ - Thành viên HĐ TV sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia và ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội, Thành viên HĐTV Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia
 
Nhằm giúp doanh nghiệp ngành dịch vụ vượt qua các khó khăn trong năm 2013 cũng như tận dụng được các cơ hội trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, từng bước phát triển và nâng tầm trở thành một ngành công nghiệp có đóng góp lớn trong tỷ trọng GDP quốc gia và đóng góp bền vững theo chiến lược nêu trên, đi tìm những giải pháp phù hợp cho hoạt động của doanh nghiệp trong ngành sẽ là chìa khóa hỗ trợ cho quý doanh nghiệp. Tọa đàm Những giải pháp để đẩy mạnh ngành công nghiệp dịch vụ được Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, CTCP Truyền thông Thuận Phát Lộc phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, hướng đến mục tiêu ấy.
 
 
Quang cảnh buổi tọa đàm
 
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Võ Tân Thành, GĐ VCCI tại TP HCM cho biết:"Năm 2012 là một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng nhờ động lực phấn đấu chúng ta đã đạt được những thành quả tích cực: Kinh tế vĩ mô bước đầu đuợc cải thiện, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp là 6,81%. Trên lĩnh vực xuất khẩu đạt những thành tựu ấn tượng, cuối năm 2012 kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra là tăng 13%. Trước đây chúng ta nhập siêu lớn, triền miên, mỗi năm chúng ta nhập siêu từ 10-13 tỷ USD nhưng 2012 chúng ta đã trở thành một nước xuất siêu. Dự trữ ngoại hối đã đạt mức cao nhất hiện nay, tỷ giá khá ổn định, niềm tin vào VND được nâng lên trong điều kiện rất khó khăn kể cả kinh tế trong nước cũng như thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,03%. Tuy chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra nhưng trong bối cảnh khó khăn như vậy mà đạt được con số ấy là một điều rất phấn khởi. Tuy nhiên, năm 2012 chứng kiến khó khăn rất lớn của nền kinh tế VN đặc biệt là về phía DNVVN. Trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề tiếp cận vốn của các DN Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đạt mức thấp. DN tiếp cận vốn với lãi suất rất cao...
 
Mặt khó khăn nữa là hàng tồn kho của DN có giảm nhưng vẫn còn rất lớn và dự báo năm 2013 tình hình sẽ còn khó khăn, chúng ta vẫn phải đối diện với nhiều thách thức khi kinh tế thế giới vấn nằm trong vòng trì trệ, nhất là những khu vực là thị trường chính của VN, nơi đầu tư nhiều vốn vào VN như Hoa Kỳ, Nhật Bản vẫn còn rất khó khăn. Vì thế, nguy cơ tác động từ bên ngoài vào vẫn còn lớn, trong nước nền kinh tế còn yếu kém. Mô hình cơ cấu kinh tế, tăng trưởng… vẫn chưa được giải quyết tốt, mới chỉ ở mức khởi động, nợ xấu vẫn còn khả năng tăng và tồn kho vẫn còn lớn, lãi suất tín dụng vẫn còn ở mức cao so với hiệu quả sản xuất. Nền kinh tế chưa lấy được đà tăng trưởng trước đây, giải quyết việc làm gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt nguồn lực DN đang cạn dần. Trước đây, tuy là DN gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn dự trữ của DN vẫn còn... Tất cả những yếu tố ấy ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế của chúng ta trong năm 2013".
 
Kết thúc bài phát biểu, ông Thành nói: " Với tọa đàm hôm nay tôi hy vọng rằng với các diễn giả là những chính khách rất là uy tín và đặc biệt là những chuyên gia rất sâu về kinh tế vĩ mô sẽ giúp chúng ta nắm được tình hình tổng quan và những chính sách vĩ mô để DN có thể nhận được những thông tin bổ ích."
 
Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thành viên HĐ Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc đã có tham luận trao đổi xung quanh vấn đề  dự báo về nền kinh tế VN năm 2013 thông qua chủ đề  "Tổng quan và thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2012 và những tác động tới doanh nghiệp trong năm 2013".  Tham luận của ông Kiên nhấn mạnh: "Năm 2012, những khó khăn lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam là hàng tồn kho cao, Nợ xấu ngân hàng tăng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, Tăng trưởng xuất khẩu đạt mức vượt kế hoạch đềra nhưng việc giảm tốc độ tăng nhập khẩu và giảm nhập siêu thể hiện sự khó khăn của khu vực sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước, Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế triển khai chậm, Các vấn đề xã hội đáng lo ngại như chỉ số giá tiêu dùng ở những mặt hàng thiết yếu tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp tăng, điểm sáng là tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống so với năm 2011 nhưng lại xuất hiện mối quan hệ giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người tiêu dùng không công khai, minh bạch… Lợi ích nhóm, việc tăng giá một số nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản đóng băng và hàng tồn kho cao, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới… gây tâm lý bất ổn trong xã hội”.
 
 Với phần nhìn lại và phác thảo mà TS Nguyễn Đức Kiên đã trình bày trong tham luận, nổi bật lên bức tranh tổng thể về kinh tế VN năm 2013, trong đó, những vấn đề nổi cộm có liên quan mật thiết và trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp như diện mạo, xu hướng hoạt động của hệ thống ngân hàng, cũng đã được đề cập khá chi tiết. Tuy nhiên, hình dung, dự báo về những chính sách điều hành cụ thể theo các chỉ tiêu đã được đề ra như tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế năm 2013, và kéo theo là các vấn đề về lãi suất, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, sẽ là một trong những chìa khóa mở ra cánh cửa kinh doanh năm 2013 một cách chuẩn xác.
Người mang đến hội thảo một trong những chìa khóa như vậy tại tọa đàm là  TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát TC Quốc gia, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. 
 
 
Theo ông Nghĩa: "Tại VN, GDP năm nay đạt 5,03% trong đó chủ yếu do dịch vụ tạo ra (dịch vụ chiếm 2,7% trong số 5,03%, công nghiệp 1,89% và nông nghiệp 0,44%). Đây là năm thứ 4 liên tiếp dịch vụ chiếm trên 50% trong tổng số tỷ trọng. Nghĩa là dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế. Năm nay cũng là năm tăng trưởng dịch vụ xấp xỉ năm ngoái trong đó các ngành vận tải, nhà hàng, khách sạn tăng cao, duy nhất có ngành ngân hàng, tài chính giảm mạnh.
Về tài chính tiền tệ, dự đoán lạm phát năm nay có thể cao hơn năm ngoái. Theo chúng tôi, lạm phát của VN loại trừ xăng dầu và lương thực thực phẩm vào khoảng 12%. Chúng tôi dự báo kinh tế năm 2013 sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2012, nếu nỗ lực sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng 5,5%. Đầu tư nước ngoài tăng trở lại, tỷ trọng xuất khẩu được đẩy mạnh hơn với năm ngoái.
Về thị trường BĐS : Các chính sách yêu cầu dồn vào cấu trúc lại nguồn cung, làm thế nào giá nhà rẻ hơn, từ đó có thể tăng cầu. Tập trung vào BĐS bằng cách tăng cho vay mua nhà. Đó là cách duy nhất thế giới đang làm vì khủng hoảng BĐS là khủng hoảng về cung. Vấn đề thứ 2 là tăng sức mua nhà bằng cách giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay; Vấn đề thứ 3 là giảm chi phí thuê đất.; Vấn đề 4 là đơn giản hóa thủ tục nhà...
 
Về nợ xấu thì các tập đoàn nhà nước đang để lại món nợ lớn. Để xử lý nợ xấu cần kết hợp cả 2 cách sau. Một là, để ngân hàng thương mại tự xử lý có sự hỗ trợ của ngân hàng Trung ương. Hai là Chính phủ có chủ trương thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý những món nợ lớn. Công ty mua bán nợ mua lại toàn bộ nợ của ngân hàng sau đó phát mãi, họ có thể biến nợ đó thành vốn gốc dưới dạng cổ phần hoặc vay xử lý dần. Lúc đó DN không còn nợ ngân hàng mà nợ DN mua bán nợ. Tuy nhiên, việc DN có được ngân hàng cho vay lại không thì còn phải xem xét lại".
 
  
Về chứng khoán: Thị trường chứng khoán VN là 1 trong 24 thị trường có tốc độ tăng trưởng khá cao, trung bình 18% và sau đó trở về sàn thấp và giờ tăng trở lại đạt 21%. Chúng tôi cho rằng trong việc xử lý nợ xấu cũng như việc cứu vớt BĐS và chứng khoán, tiền đề làm cho nền kinh tế phục hồi trở lại thì phải xử lý vấn đề lãi suất. Năm 2013 chúng ta phải phấn đấu tối đa, các ngân hàng phải thống nhất lãi suất cho vay khoảng 9% để tháo gỡ khó khăn cho DN".
 
Để kết luận, ông Nghĩa đã đưa ra một số lời khuyên cho DN: "Những DN không có khó khăn lớn thì nên bắt đầu tìm hiểu thị trường tiềm năng, mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng phát triển những sản phẩm công nghệ cao để có thể sống sót trong dài hạn. Các DN VN xưa nay không chú trọng bảo vệ thương hiệu cũng như ít dùng tiền cho việc quảng bá, marketing. Nhiều DN nước ngoài như Coca Cola dù lãi nhưng vẫn báo lỗ để được miễn đóng thuế, lấy tiền thuế đó dùng vào việc quảng cáo, nâng cao thương hiệu sản phẩm để “diệt” đối thủ. Những DN nước ngoài tận dụng cơ hội này khiến cho những ngành như đồ ăn đồ uống công nghiệp, mỹ hóa phẩm của VN đang chết dần".
 
 
 Ông Ngô Trung Hưng - Giám đốc Marketing Cty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Đại Việt Hương đang chia sẻ những kinh nghiệm của mình tại buổi tọa đàm
 
Sau các bài tham luận của ông Nguyễn Đức Kiên, và ông Lê Xuân Nghĩa,  tọa đàm bước vào  trọng tâm chính là đi tìm các giải pháp cho doanh nghiệp ngành công nghiệp dịch vụ “vượt bão” và “cất cánh”,  ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (Bộ Công thương), người đã có đóng góp rất lớn trong đàm phán kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và trong tiến trình VN gia nhập tổ chức Kinh tế thương mại toàn cầu, TV Hội đồng tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia đã mang đến tọa đàm bản tham luận Giải pháp cho các doanh nghiệp thời kỳ khó khăn và kinh nghiệm thực tiễn.
 
 Theo ông Tuyển: "Kinh tế chỉ phát triển khi hai ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển, mà dịch vụ muốn phát triển lại phụ thuộc rất lớn vào đời sống dân cư phát triển. Do đó cần cho người nước ngoài mua nhà ở VN để họ sử dụng các dịch vụ của chúng ta. Tôi cho rằng phải xem lại, năm nay dịch vụ chỉ chiếm 38% do sản xuất không phát triển được nên kéo dịch vụ giảm. Đối với VN muốn phát triển dịch vụ thì cần phải phát triển sản xuất".
Sang năm 2013, kinh tế vĩ mô có sự cải thiện do tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng. Điều quan trọng thứ 2 là Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5%. Tôi thấy lần đầu tiên Chính phủ trình ra Quốc hội mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng của năm trước. Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ tuyên bố năm 2013 giữ lạm phát ở mức 6% nhưng theo tôi rất khó để đạt được con số này mà lạm phát chắc chắn ở mức 8%. Mức này cao hơn năm 2012 bởi vì năm 2012 lạm phát giảm là do giá lương thực thực phẩm giảm. Theo tôi, năm 2012 lạm phát không phải là khó khăn nhất mà vấn đề quan trọng là DN mất tiềm lực, mất nguồn tài chính để bảo đảm tính thanh khoản. Đó là rào cản kinh tế lớn nhất đối với nền kinh tế".
Còn về vấn đề hàng tồn kho, DN phải tính toán trong việc hạ giá để bán được sản phẩm để có thể trả được nợ ngân hàng với lãi suất là 15-17%. Hai là, DN có bán được hàng mới có tiền dùng vào Qũy VAT để cân bằng. Như vậy việc hạ giá bán mang lại lợi kép cho DN, chứ DN cứ sợ không dám bán thì chẳng giải quyết được vấn đề trả nợ ngân hàng, không giải quyết được hàng tồn và tiếp tục sản xuất được. Dài hạn hơn một chút, tôi cho rằng từ nay về sau Chính phủ sẽ hết sức quan tâm với những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn, tạo ra môi trường ổn định cho DN kinh doanh".
...“dẫu vậy, năm 2012, “kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu cải thiện tích cực và Chính phủ quyết tâm củng cố xu thế này trong năm 2013, tỷ giá tiếp tục xu thế cơ bản ổn định, biên độ dao động sẽ không lớn, việc điều chỉnh chính sách được khẳng định là sẽ không tạo ra đột biến, giúp doanh nghiệp định hướng đầu tư và kinh doanh. Hơn thế, việc lạm phát giảm trong năm 2012 tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay cũng có ý nghĩa tích cực cho kinh tế 2013”.
 
Tại buổi tọa đàm, ông Võ Tân Thành, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc VCCI chi nhánh Tp Hồ Chí Minh cũng đưa ra những ý kiến của mình. Theo ông, nền kinh tế VN năm 2013 được dự báo sẽ vẫn còn không ít khó khăn, vì vậy mà bối cảnh và điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ chật hẹp hơn. Mặc dù năm 2012 có nhiều tín hiệu tích cực về điều hành vĩ mô, tuy nhiên vẫn có một số chính sách mà DN còn chưa thực sự được thông tỏ, ví dụ việc hạ lãi suất mới chỉ hạ lãi suất một đầu mà chưa hạ lãi suất cho vay, do đó DN chưa được hưởng lợi nhiều về chính sách hạ lãi suất. Ngoài ra là các giải pháp chống vàng hóa, chống đô la hóa nền kinh tế cũng chưa được nhất quán...
 
 
Đồng thuận với quan điểm của ông Thành,  một số DN cũng đứng lên để bày tỏ nỗi "ấm ức" của mình. Đó là nỗi "ấm ức" về lãi suất, về môi trường kinh doanh, về chính sách, về các loại thuế, phí, môi trường cạnh tranh giữa các DN trong nước và DN nước ngoài.
 
 
Ông Nguyễn Văn Mỹ, GĐ Cty Du lịch Lửa Việt
 
Ông Ngô Minh Hưng, GĐ Marketing Cty TNHH Sản xuất TM-DV Đại Việt Hưng, chia sẻ: Ở góc độ DN, theo tôi nếu cơ sở phát triển công nghiệp sản xuất không có thì công nghiệp dịch vụ sẽ không phát triển. Nhưng ở đây tôi lấy làm quan ngại là sản xuất của chúng ta đã phát triển rồi nhưng ngành công nghiệp dịch vụ của chúng ta vẫn chưa phát triển. Đó là một trong những yếu tố vướng mắc lớn nhất khi gia nhập kinh tế toàn cầu. Tôi thấy rằng tất cả các Cty sản xuất đều có kinh nghiệm về 2 thành phần: Cấu tạo giá của sản phẩm đó là chi phí sản xuất và lãi gộp. Trong mặt bằng sản xuất thông thường lãi gộp chiếm hơn 60% tổng giá bán tùy theo từng quốc gia nhưng mà ở VN chỉchiếm 40%. Đó là nghịch lý so với các các quốc gia khác. Tôi cho rằng tất cảnhững kế sách của mình chỉ lòng vòng để kích cầu ở giai đoạn ngắn thôi, sau đó có nguy cơ nào đó, tăng cung tiền sẽ rơi vào lạm phát trở lại. Tất cả những vấnđề đó liên quan tới lãi gộp.
Chúng tôi cho rằng chừng nào chúng ta chưa nghiên cứu sâu về lãi gộp thì chừng đó chúng ta chưa hiểu về công nghiệp dịch vụ. Công nghiệp dịch vụ rất đa dạng nhưng trong mỗi giai đoạn của nền kinh tế sẽ có một vài ngành dịch vụ nổi trội. Thí dụ, dịch vụ bảo hiểm, y tế, công cộng, bảo hiểm tài chính… thường có tính chất mặc định, khi thu nhập của người dân chưa cao thì những dịch vụ này cũng chỉ ở mức trung bình. Dịch vụ ăn uống, vận tải, lữ hành, giải trí là dòng lưu thông trực tiếp phục vụ cho phân phối và hệ thống bán lẻ. Những dịch vụ quảng cáo, tiếp thị là những dịch vụ tiện ích nền tảng là huyết mạch là xương sống của kênh phân phối bán lẻ. Những dịch vụ về nền tảng là những cung cấp vật chất cho những dòng lưu thông phân phối của chúng ta.Lãi gộp là lý do quan trọng làm suy yếu tổng cầu, hạn chế sản lượng, tăng giá và thường làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh. Cụthể, lãi gộp có thể vượt 60% trong giá bán của DN. Khi nói tới dòng lưu thông chúng ta không nói tới chi phí bán hàng, không nói tới lãi gộp.
Tóm lại, chừng nào chúng ta giải quyết được dòng lưu thông và lãi gộp một cách đúng mức như các nước trong khu vực. Chừng đó chúng ta mới tăng được sức mua.
 
 
 Tại diễn đàn, Đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát  nêu thắc mắc:  "Một trong những quan ngại lớn nhất của những DN chân chính hiện nay là phải đối phó với những sự cạnh tranh không lành mạnh. Thứ nhất là việc các DN có vốn FDI hàng chục năm trốn thuế và dùng số tiền đó đầu tư vào những chuyện khác,  ép DN VN tạo ra một sự cạnh tranh không công bằng.
Hai là, hàng hóa nước ngoài không rõ nguồn gốc đổ vào VN rất lớn,  đặc biệt là hàng Trung Quốc, tạo nên sự mất niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ tới nhà sản xuất chân chính trong nước. Vậy chúng ta đánh giá thế nào về năng lực quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay?
Ba là, vừa qua Chính phủ đã có gói tiền tệ để giải cứu DN,  nhưng hầu như DN đều tiếp cận khó khăn,  vậy dòng tiền này đi về đây? Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?
Trước vấn đề mà Tân Hiệp Phát đưa ra, ông Trương Đình Tuyển đã có câu gỡ rối cho DN. Ông nói: " Thực tế, có hiện tượng các DN cạnh tranh không lành mạnh,  đặc biệt trong bối cảnh thị trường VN hiện nay khi bộ máy quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Thực ra về luật pháp chúng ta có đủ cơ sở để xử lý những hiện tượng này, nhưng vẫn khó khi áp dụng luật vào thực tế. Các DN nước ngoài đã từng đánh giá VN có Luật Cạnh tranh hòan chỉnh nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên năng lực thực thi của các cơ quan hành pháp đang bộc lộ nhiều vấn đề. Khi còn là Bộ trưởng,  tôi rất quan tâm tới việc thành lập Cục Cạnh tranh, ý đồ của tôi là tổ chức này cần được sự hỗ trợ vì anh em mới ra thành lập nên sẽ rất thiếu nhân sự. Câu chuyện hàng giả, hàng nhái ở VN nhiều là do đường biên giới khá dài trong khi quản lý thị trường chỉ tầm 10.000 người. Đây là bài toán cực kỳ nan giải nếu các địa phương không ra tay giúp sức, có sự phối hợp nhiều bên. Chúng ta chỉ hy vọng tới năm 2015 giữa VN với TQ, Lào, CPC trừ những hàng cấm ra thì không cần thiết phải đánh thuế những mặt hàng thông dụng để tránh hiện tượng tuồn hàng theo đường tiểu ngạch. Thêm nữa, nếu người tiêu dùng biết từ chối, nói không với hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc thì sẽ đỡ vi phạm rất nhiều" .
 
 
Ông Nguyễn Văn Mỹ, GĐ Cty Du lịch Lửa Việt, bày tỏ rất mong các nhà quản lý, Nhà nước quan tâm đến DN nhiều hơn nữa và có các chính sách thiết thực hỗ trợ cho DN thay vì “làm khổ DN”. Ông Mỹ dẫn ra một số các chính sách bất cập đối với ngành dịch vụ du lịch như tăng lệ phí lên gần gấp đôi hay tăng tiền ký lữ hành quốc tế…ngay ở thời điểm khó khăn và DN du lịch đang phải tìm cách giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách và đảm bảo hoạt động. Theo ông, “một số các chính sách sắp được ban hành tới đây, nếu được thực hiện, sẽ là giáng “đòn chí mạng” cho ngành du lịch đang vốn yếu kém và do đó ông mong muốn các chuyên gia tham mưu, tư vấn hoạch định chính sách cho Chính phủ có mặt tại tọa đàm sẽ lưu tâm đến vấn đề này.
 
Sau hơn 3 giờ lắng nghe những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực của mình- những người có vai trò tham mưu các đường đi nước bước của chính sách kinh tế VN, cũng là những nhân vật rất dày dạn kinh nghiệm trong các ứng xử về vĩ mô, vi mô, thậm chí những vấn đề nhỏ hơn nữa mà các doanh nghiệp nhìn chung đang phải đối mặt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu …hy vọng tại buổi tọa đàm, các DN có thể tận dụng những kinh nghiệm, lời khuyên của các chuyên gia để áp dụng cho hoạt động của doanh nghiệp mình.
 
Song song, tại tọa đàm, những khó khăn, bất cập trong quá trình sản xuất và kinh doanh, những mong mỏi, kỳ vọng của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh nói chung trong năm 2013 cũng như các chính sách có ý nghĩa gia tăng tổng cầu cho toàn bộ nền kinh tế và nhóm ngành công nghiệp dịch vụ, cũng đã được các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, nhằm mong muốn đóng góp tích cực hơn tới các chính sách điều hành vĩ mô và theo từng ngành nghề công nghiệp dịch vụ sẽ được ban hành trong năm  2013.
 
 
 Thu Hiền- Nguyễn Thành